Thứ bảy tuần 13 thường niên Mt 9, 14-17 "Chay tịnh đưa con người đến gần với Chúa và tha nhân hơn". Bài Chia sẻ của Cha Phó Đaminh

Chay tịnh đưa con người đến gần với Chúa và tha nhân hơn.

Trong một bài giáo huấn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế, phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát.

Quả thực con người chỉ thực sự được sung mãn và trưởng thành khi nó biết khao khát những giá trị cao cả ấy. Và sự trưởng thành thực sự mà con người đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân mà chính là đưa con người đến gần với tha nhân hơn.

 Theo người Ai cập ăn chay với một lý do khác: để được trẻ trung hơn. Người Hy lạp ăn chay để tinh thần được nhanh nhẹn hơn. Người thổ dân Nam Mỹ ăn chay để bày tỏ lòng can đảm. Người vẽ tượng thánh ăn chay để vẽ cho đẹp hơn. Còn người Do Thái thì ăn chay để đền tội, để thương tiếc kẻ chết, để xin Chúa đặc biệt trợ giúp, để chuẩn bị đón Chúa đến. Còn người Phật Giáo thì ăn chay vào các ngày mùng một và rằm, bằng cách vẫn ăn no như thường, nhưng tuyệt đối không ăn thịt bất cứ con vật nào, chỉ ăn rau cỏ trái cây...

Như vậy, mỗi tôn giáo đều có một cách thức để ăn chay. Nhưng chúng ta đừng quên là cả các nhà khoa học cũng kêu gọi ăn chay ! Thật thế, mỗi khi bác sĩ muốn xét nghiệm máu để sức khỏe, họ buộc bệnh nhân phải nhịn ăn kiêng uống ít nhất là 12 giờ đồng hồ trước khi lấy một ít máu đem thử. Và người bệnh thì chấp nhận ngay, không một chút cật vấn phàn nàn. Chính sự “ăn chay y học” này có mục đích giúp cho bác sĩ và bản thân chúng ta biết tình trạng sức khỏe của mình mà chăm lo, hay có phương án điều trị chữa lành.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ. Đối với họ ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của một nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác.

Gián tiếp Ngài nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới. Chính vì thế chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào. Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến. Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17), nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25, 1-13), nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội. Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn, khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay.

Người Kitô hữu ngày nay ăn chay vì những lý do trên, bởi Chúa đã đến rồi, nhưng ăn chay để đón chờ Chúa lại đến, để danh Chúa hiển sáng, Nước Chúa trị đến và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Như thế, ăn chay đối với người Kitô hữu cũng có ý nghĩa dấn thân cho một thế giới mới, xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những tương quan mới với Chúa và với anh em.

Đó là tâm tình căn bản của người môn đệ trong thời Tân ước là tâm tình được đổi mới. Đó là tinh thần luôn luôn sống có niềm vui.

Video

Bài viết liên quan