THỨ HAI TUẦN 13 THƯỜNG NIÊN Mt 8,18-22 Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."(Mt 8,20) Bài chia sẻ của Cha Chánh Xứ Giuse

Đức Giê-su trả lời:

"Con chồn có hang, chim trời có tổ,

nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."(Mt 8,20)

 

1. Câu chuyện hai người xin đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

Qua những câu trả lời của Chúa Giêsu, ta hiểu được Ngài là ai và cái giá phải trả để đi theo làm môn đệ Ngài là gì:

* Với câu trả lời thứ nhất (c.20), ta thấy:

a/ Đức Giêsu là Đấng Messia (mà Đanien xưa gọi là “Con Người”  Đn 7,13);

b/ Nhưng là một Đấng Messia nghèo nàn không có chỗ tựa đầu (“Con Người” trong Đanien thì rất vinh quang).

* Qua câu trả lời thứ hai (C.22): chúng ta thấy, Đức Giêsu cho biết Ngài là Đấng Messia không phải chủ yếu để lo chuyện thế tục, mà lo chuyện cao lớn hơn đó là việc Nước trời.

Tại sao Đức Giêsu trả lời như vậy?  Có lẽ vì những người xin đi theo Ngài nghĩ Ngài là một Đấng Messia giàu sang. Ngài nói rõ và nói thẳng để họ dễ quyết định xem có muốn đi theo Ngài nữa không.

2. “Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng vây quanh Ngài thì Ngài ra lệnh sang bờ bên kia”(Mt 8,18): Ngài muốn choi các môn đệ của Ngài xa lánh dân chúng. Có lẽ vì Ngài thấy họ theo Ngài vì lý do vụ lợi vật chất. Ngài phải tạm xa họ để làm giảm bớt lòng vụ lợi đó và để họ có dịp xét lại động cơ khi họ đi theo Ngài.

Đôi khi hình như Chúa cũng muốn xa lánh chúng ta như thế. Khi đó chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ lại về mình và về Chúa: tôi như thế nào mà Chúa lại tạm xa tôi, Chúa muốn nói gì với tôi khi xa lánh tôi như thế.

Một cái hang đối với một con chồn, một cái tổ đối với một con chim, và một chỗ gối đầu đối với một con người. Đó là nhu cầu an ninh tối thiểu. Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ đi theo Ngài cũng phải từ bỏ cả những cái an ninh tối thiểu ấy.

Cái hang, cái tổ và chỗ gối đầu của ta không phải chỉ là một mái nhà mà là cái bản năng tìm sự thoải mái, tiện nghi. Có tiện nghi thoải mái thì mới tốt. Nhưng khi cần do hoàn cảnh túng thiếu, hay yêu cầu mục vụ ta cũng phải sẵn sàng hy sinh từ bỏ. Mà để có thể sẵn sàng hy sinh từ bỏ thì tôi phải tập để không lệ thuộc vào chúng.

3. Việc của “kẻ chết” là những việc vật chất, thế gian. Người môn đệ có một việc khác phải để ý quan tâm nhiều hơn, đó là việc “kẻ sống”…là những việc mang lại sự sống thật, sự sống đời đời. Chúng ta thử liệt kê ra xem những việc chúng ta đang lo lắng hôm nay và so sánh xem loại việc nào chúng ta quan tâm nhiều hơn.

Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ, mà là một con người. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng một giáo lý, mà đòi hỏi mọi người phải theo Ngài. Theo Ngài vô điều kiện, theo Ngài một cách dứt khoát. (Chời đợi Chúa).

Ngày kia, giáo trưởng Alihamet dõng dạc tuyên bố với các đệ tử của ông:

- Ta thấy đã đến lúc chúng ta lại phải lên đường. Ta không biết rồi những gì sẽ xảy ra. Các ngươi hãy tuân giữ những điều ta đã truyền dạy. Và các ngươi hãy nhớ kỹ điều này: Trong bất cứ cảnh huống nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn:”Tôi chết thay cho Thầy tôi!"

Đám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một lệnh truyền điên rồ như thế. Tất cả đều rút lui. Chỉ có một người dám chấp nhận và quyết tâm đi theo thầy.

Hai thầy trò lên đường và không biết sẽ đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Bạo chúa này đã ra lệnh cho binh lính:

- Các ngươi phải bắt tên du thủ du thực đầu tiên nào mà các ngươi gặp và điệu tới đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này.

Thế là khi vừa đặt chân tới cổng thành, người đệ tử của vị giáo trưởng liền bị lính bắt và điệu tới truớc mặt bạo chúa.

Lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu thì vị giáo trưởng mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn:

- Thưa ngài, xin hãy giết tôi. Vì chính tôi đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống cuộc đời lang thang như tôi.

Nói xong ông giơ tay lên trời. Vừa thấy cử chỉ ấy của thầy mình, người đệ tử liền hô lên:

- Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi.

Nghe thế, bạo chúa lấy làm lạ, ông mới hỏi các viên cố vấn:

- Chúng là ai mà lại sẵn sàng chết thay cho nhau như thế.

Các cận vệ đều ngơ ngác nhìn nhau. Bấy giờ bạo chúa đòi điệu giáo trưởng đến và yêu cầu giải thích lý do.

Vị giáo trưởng bình thản trả lời:

- Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng, bất cứ ai bị giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Vì thế mà thầy trò chúng tôi đã hăm hở tới đây để được chết.

Nghe thế, bạo chúa mỉm cười và ra lệnh thả tự do cho hai người. Cũng lúc ấy, người đệ tử chợt hiểu rằng, ai dám hy sinh mạng sống vì người khác thì sẽ tìm lại được.

Video

Bài viết liên quan