CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN - B Mc. 6, 7-13 " Sứ mạng của Người đem Tin Mừng" Bài chia sẻ của Cha Phó Đaminh

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang.

Khác hẳn với những người thầy chuẩn bị hành trang cho trò mình, Chúa Giêsu còn chỉ thị cho các ông khi đi đường không được mang những gì không thật sự cần thiết cho sứ mạng loan báo Tin Mừng như lương thực, bao bị, tiền bạc vì “làm thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10, 10; x. Lc 10, 7). So với các tác giả Nhất Lãm khác, chỉ riêng Marcô nói đến việc được mang cây gậy và đôi dép khi đi đường (x. Mt 10, 1-15; Lc 9, 1-6). Trong Cựu Ước, cây gậy là dấu chỉ quyền năng Thiên Chúa trao cho Môsê, Aaron (x. Xh 4, 2; 14, 16; 17, 5), nên việc các môn đệ cầm cây gậy có thể ngầm ý rằng các ông chỉ có thể cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ra, việc Mátthêu và Luca cấm các môn đệ đi giày có lẽ muốn nói rằng cấm mang theo một đôi giày dư ra, vì đi chân đất trên các nẻo đường đầy sỏi đá xứ Palestine rất khó khăn. Hơn nữa, có thể vào thời Marcô, tình thế khá nguy hiểm cho người môn đệ truyền giáo, nên Marcô chấp nhận giảm nhẹ để người môn đệ có phương tiện tự bảo vệ là cây gậy và đôi dép.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ.

 Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Nhiệm vụ chính yếu của các môn đệ là đến ở với người ta, rao giảng kêu gọi họ ăn năn sám hối, trừ quỷ và xức dầu để chữa những người đau ốm. Khi xức dầu để chữa lành bệnh nhân về thể lý cũng như kêu gọi người ta sám hối và trừ quỷ để chữa lành những bệnh tật trong tâm hồn, các môn đệ được chia sẻ sứ mạng chữa lành của Chúa Giêsu.

Các Tông Đồ được Chúa Giêsu chia sẻ quyền năng và sứ mạng chữa lành về thể lý và tinh thần. Để có thể chu toàn sứ mạng này, các Tông Đồ phải sống tinh thần phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa và hoàn toàn thanh thoát đối với của cải. Sống thanh thoát để không cậy dựa hay lệ thuộc thái quá vào của cải vật chất hoặc bất cứ phương tiện nào khác ngoại trừ lòng tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn là chìa khoá thành công của người tông đồ Chúa Kitô mọi nơi và mọi thời.

Qua Bí tích Rửa Tội, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu, cũng là người được sai đi. Được sai đi cùng với người khác, được sai đi với tính thần siêu thoát và được sai đi với ơn sức của Chúa. Đối tượng mà chúng ta cần nói cho biết về Chúa, không ở đâu xa mà ngay trong gia đình, gia tộc và xứ đạo của mình. Họ là những người thân thích với ta, là bà con lối xóm của ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người cùng nghề cùng sở làm với ta...

Nhiệm vụ của người Kitô hữu hôm nay cũng không khác nhiệm vụ của Nhóm Mười Hai xưa kia: loan báo Tin Mừng và giảm thiểu ảnh hưởng của sự dữ. Nhưng sức riêng không giúp họ chu toàn được sứ mạng này; họ cần phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu (“ở với Người”; x. 3,14).

Người Kitô hữu chúng ta luôn nhớ rằng mình là người được sai phái đi, nên phải lệ thuộc vào các chỉ thị của Chúa mình và phải trả lời về cách thực hiện các mệnh lệnh của Người.

Như thế, ra đi loan báo Tin Mừng không phải là cơ hội để truyền đạt và áp đặt các tư tưởng của riêng mình. Làm chứng bằng lời nói là một khía cạnh của sứ mạng tông đồ. Tuy nhiên, sứ mạng này sẽ khiếm khuyết nếu việc làm chứng bằng lời nói không được phối hợp với việc làm chứng bằng hành động, bằng chính đời sống mình.

Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

Hôm nay, Chúa cũng trao cho chúng ta những quyền năng như hành trang để lên đường. Đó là quyền rao giảng Tin mừng, quyền trừ quỷ và quyền chữa bệnh.

Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng với niềm hân hoan của người tìm được viên ngọc quí.

Chúng ta có thể nói về Chúa như nói về một người bạn thân.

Chúng ta có thể xua trừ quỉ bằng cách đẩy lui những thói hư tật xấu.

Chúng ta có thể chữa bệnh bằng cách lau khô những giọt lệ của bao người quanh ta. Amen

Video

Bài viết liên quan