Anh Chi Giáo Lý Viên - Huynh Trưởng

28 08

GIÁO XỨ BÙI PHÁT - Xứ Đoàn Kitô Vua - QUY CHẾ SINH HOẠT

 

GIÁO XỨ BÙI PHÁT

    Xứ Đoàn Kitô Vua

QUY CHẾ SINH HOẠT

I.Đường hướng sinh hoạt

1.Định nghĩa – Đối tượng

Đoàn Thiếu Nhi là một đoàn thể quy tụ các em trong độ tuổi học giáo lý (từ 4 – 17 tuổi) để huấn luyện các em nên người, nên thánh và làm việc tông đồ.

.Mục đích

Các sinh hoạt của Đoàn Thiếu Nhi nhằm hai mục đích :

  • Huấn luyện thanh thiếu nhi về hai phương diện : tự nhiên (nhân bản) và siêu nhiên (giáo lý), giúp các em nên người trưởng thành và những Kitô hữu thánh thiện.
  • Đoàn ngũ hóa và hướng dẫn thanh thiếu nhi sống Tin mừng trong môi trường sống, tích cực cộng tác xây dựng Giáo hội và xã hội.

 

3.Đường lối giáo dục

Tạo cho thanh thiếu nhi có một bầu khí lành mạnh, phấn khởi, thích nghi, cởi mở, để hướng dẫn các em đi vào đời sống đạo tích cực, tự nguyện, ý thức, đồng thời khơi dậy nơi các em tinh thần sống và làm chứng nhân cho Tin mừng.

 

4.Phương pháp

Phương pháp huấn luyện dựa trên phương pháp giáo dục dự phòng của cha thánh Don Bosco. Lấy Lời Chúa làm nền tảng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn các em trong những hoạt động tông đồ, cũng như bác ái xã hội. Trang bị kỹ năng chuyên môn, giúp phát huy sự nhạy bén năng động nơi các em.

 

5.Người hướng dẫn

Các Huynh trưởng – Giáo lý viên là những người được huấn luyện và tuyên hứa nhận sứ mạng trực tiếp đồng hành hướng dẫn các em. Vì thế, Huynh trưởng – Giáo lý viên phải ham học hỏi và đi tiên phong trong mọi chương trình, có đời sống gương mẫu và tương quan tốt với phụ huynh và các em thiếu nhi.

 

II.Hệ thống tổ chức

1.Sơ đồ tổ chức

 

 

2.Hình thức

Đoàn Thiếu Nhi được tổ chức kết hợp giữa lớp giáo lý và chương trình huấn luyện Thiếu nhi Thánh Thể. Đồng phục và khăn quàng lấy mẫu từ Phong trào Thiếu nhi Thánh thể.

3.Các Ngành – Lớp – Đội

Các em được sinh hoạt trực tiếp theo các Lớp giáo lý. Mỗi Ngành sẽ phân chia thành nhiều Lớp, mỗi Lớp sẽ phân chia thành nhiều Đội và áp dụng theo phương pháp hàng đội tự trị.

Mỗi đội từ 6 đến 8 em (nam nữ chung). Có những trường hợp sỉ số ngoại lệ được sắp xếp sau cùng.

4.Tên gọi

Các Ngành và Lớp giáo lý được gọi tên theo Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Cụ thể có 5 Ngành với 14 Lớp theo thứ tự :

Ngành

Màu khăn

Lớp

Chiên Con

Hồng

Chiên Con 1

Chiên Con 2

Chiên Con 3

Ấu Nhi

Xanh lá

Ấu Nhi 1

Ấu Nhi 2

 

Thiếu Nhi

Xanh dương

Thiếu Nhi 1

Thiếu Nhi 2

Thiếu Nhi 3

Nghĩa Sĩ

Vàng

Nghĩa Sĩ 1

Nghĩa Sĩ 2

Nghĩa Sĩ 3

Hiệp Sĩ

Nâu

Hiệp Sĩ 1

Hiệp Sĩ 2

Hiệp Sĩ 3

 

 (các Lớp có số lượng nhiều em sẽ được chia thành Lớp A, B)

 

5.Điều hành

Mọi sinh hoạt của Xứ đoàn được điều hành theo hàng dọc. Người điều hành và chịu trách nhiệm trên hết là Linh mục đặc trách Thiếu nhi, tiếp đến là Ban Quản trị, các Ngành Trưởng, các Ban Chuyên môn, GLV trưởng lớp và GLV đồng hành. Một vài sinh hoạt không chuyên môn cũng cần sự cộng tác của Ban Quản giáo, Ban Đại diện phụ huynh.

 

III.Nhiệm vụ và quyền lợi

 

1.Nhiệm vụ

a.Linh mục đặc trách thiếu nhi :

Cha đặc trách là người được Cha Chánh Xứ trực tiếp trao trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt của Đoàn Thiếu Nhi. Các Huynh trưởng – Giáo lý viên là người cộng tác với Cha trong sinh hoạt và trong đường hướng giáo dục.

Cha đặc trách can thiệp vào những vấn đề quan trọng, nhất là trong việc dạy giáo lý và huấn luyện đạo đức. Khi các Huynh trưởng – Giáo lý viên tỏ ra không hoàn thành nhiệm vụ, Cha đặc trách có quyền bãi nhiệm hay chuyển đổi công việc khác.

b.Thầy (Soeur) phụ tá :

Thầy hoặc Soeur phụ tá (nếu có) cộng tác với Cha đặc trách trong nhiệm vụ của Ngài, nhất là việc huấn luyện tinh thần và đạo đức. Thay thế Cha đặc trách khi được ủy nhiệm hay khi Ngài vắng mặt, đề điều hành các sinh hoạt hay chủ trì các buổi hội họp.

c.Ban Quản trị :

Ban Quản trị cộng tác bằng cách thường xuyên trao đổi hoặc nhận chỉ thị từ Cha đặc trách. Thành phần ban này gồm có : Đoàn trưởng, hai Đoàn phó, một Thư ký, một Thủ quỹ do Huynh trưởng – Giáo lý viên bầu lên và được Cha đặc trách chấp thuận. Nhiệm kỳ Ban Quản trị này là ba năm và được tái cử.

  • Đoàn trưởng :

Cộng tác với Cha đặc trách, hoạch định và điều phối những sinh hoạt chung của Xứ đoàn, tạo bầu khí vui tươi, cởi mở, đoàn kết trong mọi sinh hoạt.

Thay thế Cha đặc trách (khi được ủy nhiệm hay khi Cha vắng mặt) trong những sinh hoạt của Xứ đoàn, chủ trì những phiên họp của Huynh trưởng – Giáo lý viên và những hoạt động ngoại khóa.

Thay mặt Xứ đoàn trong những trường hợp được ủy nhiệm.

  • Đoàn phó nội vụ :

Cộng tác với Đoàn trưởng, thay thế khi Đoàn trưởng vắng mặt.

Phối hợp những sinh hoạt trong Xứ đoàn, phụ trách các lãnh vực Giáo lý – Phụng vụ – Chuyên môn.

  • Đoàn phó ngoại vụ :

Cộng tác với Đoàn trưởng, thay thế khi Đoàn trưởng và Đoàn phó nội vụ vắng mặt.

Phối hợp những sinh hoạt trong Xứ đoàn, phụ trách các lãnh vực: Sinh hoạt – Phong trào – Huấn luyện – Văn thể mỹ.

Liên lạc đối ngoại khi cần thiết : HĐMVGX, cựu Huynh trưởng, Giáo lý viên, giao lưu với các Giáo xứ...

  • Thư ký :

Phác thảo chương trình và ghi biên bản các phiên họp Ban Quản trị và Hội nghị Huynh trưởng – Giáo lý viên. Biên bản phải có chữ ký của vị chủ toạ và thư ký mới có giá trị.

Liên hệ với Ngành Trưởng phụ trách của các Lớp để hoàn thành sơ yếu lý lịch, số lượng các em sinh hoạt trong năm lưu vào sổ lưu trữ hồ sơ của Xứ đoàn.

Phụ trách thông tin, liên lạc văn thư, báo cáo số liệu.

  • Thủ quỹ :

Quản lý tiền quỹ chung của Ban giáo lý và Thiếu nhi để dùng cho những hoạt động của Ban giáo lý và Thiếu nhi. Báo cáo tiền quỹ (thu – chi) trong mỗi kỳ họp của Ban quản trị.

** Toàn Ban Quản trị có chung trách nhiệm với Cha đặc trách về tinh thần tổ chức và những sinh hoạt trong Đoàn.

Trách nhiệm đó được xác định như sau :

  • Hoạch định chương trình sinh hoạt trong Đoàn.
  • Chịu trách nhiệm về hành chánh trong Đoàn.
  • Phối hợp những sinh hoạt các Ngành trong Đoàn và những cuộc họp bạn (giao lưu) liên xứ.
  • Đào tạo, huấn luyện căn bản cho Huynh trưởng – Giáo lý viên và huấn luyện bổ túc cho các Huynh trưởng – Giáo lý viên các Ngành – Lớp trong Đoàn.

d.GLV trưởng ngành  – GLV trưởng lớp :

Các chức vụ này do Cha đặc trách bổ nhiệm sau khi đã tham khảo ý kiến của Ban Quản trị.

GLV trưởng ngành và GLV trưởng lớp là người lập kế hoạch và chịu trách nhiệm trực tiếp với Cha đặc trách về những sinh hoạt của Ngành và Lớp mình.

Tham dự Thánh lễ ít nhất 3 buổi/tuần, đồng hành với các em mình phụ trách trong các sinh hoạt của Xứ đoàn.

e.Huynh trưởng – Giáo lý viên :

Các Huynh trưởng – Giáo lý viên là người cộng tác với Cha đặc trách trong việc giáo dục đức tin và hướng dẫn các em Thiếu nhi có đời sống đạo trưởng thành, luôn tin tưởng – hướng về Chúa Giêsu Thánh thể.

Cộng tác với Ban Quản trị Xứ đoàn, GLV trưởng ngành, GLV trưởng lớp trong những sinh hoạt chung. Luôn đoàn kết, gắn bó với nhau, tránh gây bất hòa.

Thực thi những quyết định chung, và thực hiện tốt các công tác đã được phân công.

f.Dự bị Giáo lý viên :

Dự bị Giáo lý viên là người cộng tác với các Huynh trưởng – Giáo lý viên trong việc đồng hành hướng dẫn các em Thiếu nhi trong đời sống đạo và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh thể. Đồng thời, dự bị Giáo lý viên là thành phần chuẩn bị để trở thành Huynh trưởng – Giáo lý viên.

Thực thi những quyết định chung, và thực hiện tốt các công tác đã được phân công.

g.Ban Quản giáo :

Ban Quản giáo gồm những vị đại diện do các Giáo khu bầu lên, có vai trò cộng tác với Cha đặc trách trong nhiệm vụ của Ngài. Chăm lo giáo dục đức tin cho các em qua những việc tông đồ, đạo đức, bác ái, cũng như những liên hệ với Hội đồng Mục vụ Giáo xứ (trường hợp cần thiết) và phụ huynh các em thiếu nhi.

h.Ban Chuyên môn :

Các Huynh trưởng – Giáo lý viên phụ trách chuyên môn có bổn phận nghiên cứu và đề xuất, cũng như trực tiếp thực hiện những hoạt động liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình.

a)Ban hậu cần:

Quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp tất cả các vật dụng của thiếu nhi (kho sách, dụng cụ, tủ áo, …) và dọn dẹp vệ sinh phòng họp. Đồng thời, kiểm tra nhắc nhở và lên kế hoạch vệ sinh các phòng học ở các lớp.

** Đối tượng được mượn tài sản Thiếu nhi: Các thành phần đương nhiệm còn sinh hoạt trong Xứ Đoàn (không được mượn cho người khác) còn những trường hợp khác phải được sự đồng ý của Cha đặc trách hoặc Đoàn trưởng (trong trường hợp Cha đặc trách vắng mặt)

b)Ban phụng vụ:

Bao quát toàn bộ công việc đọc sách trong các thánh lễ Thiếu nhi và trực tiếp phân công đọc sách hàng tuần cho các em trong ban phụng vụ và phân chia công việc cụ thể cho các anh chị trong các dịp lễ lớn cũng như lễ trọng.

Thường xuyên tuyển các em thiếu nhi đủ điều kiện (đạo đức và khả năng) để tham gia vào ban phụng vụ mỗi năm một lần.

c)Ban tổ chức sự kiện:

Lên kế hoạch (tổng quát và cụ thể) các sự kiện diễn ra trong năm (khai giảng, trung thu, lễ thánh gia, v.v…) kết hợp cùng với các ban liên quan để tổ chức các sự kiện ấy. Xác định nhân lực, thời gian, địa điểm, chi phí, chương trình v.v… và thành lập các tiểu ban cho các sự kiện.

d)Ban văn nghệ:

Kết hợp với ban tổ chức sự kiện lên kế hoạch, kịch bản và tập dợt các tiết mục văn nghệ (hát, múa, kịch) trong các chương trình văn nghệ hoặc các sự kiện của thiếu nhi.

e)Ban truyền thông:

Quản lý bản tin Thiếu nhi, tìm kiếm hình ảnh, nội dung, viết bài theo chủ đề của mỗi tháng và đăng lên bản tin. Đưa tin về các hoạt động của các ngành, lớp trong năm. Kết hợp với ban tổ chức sự kiện liên hệ và phổ biến các sự kiện cho Thiếu nhi và ban giáo lý.

f)Ban âm thanh – ánh sáng:

Chịu trách nhiệm và liên hệ âm thanh – ánh sáng cho các sự kiện của Thiếu nhi và ban giáo lý. Kết hợp với ban tổ chức sự kiện trong các chương trình. Chuẩn bị máy chiếu cho các thánh lễ tĩnh tâm của Thiếu nhi nếu cần thiết, cũng như phụ trách âm thanh cho các buổi chầu đài Đức Mẹ tối thứ bảy hàng tuần.

g)Ban sinh hoạt:

Phối hợp với Ban Quản Trị để lên kế hoạch sinh hoạt hàng tháng cho Giáo lý viên – Dự trưởng, tập bài hát sinh hoạt trước giờ Lễ cho Thiếu nhi vào mỗi Chúa nhật thứ 2 trong tháng. Hỗ trợ sinh hoạt vòng tròn trong các buổi trại, dã ngoại và trong các chương trình vui chơi của Xứ đoàn. Sưu tầm, tổng hợp các bài hát, trò chơi sinh hoạt.

i.Ban Đại diện phụ huynh :

Do Quý vị phụ huynh bầu lên, có trách nhiệm cộng tác với Cha đặc trách trong nhiệm vụ của Ngài, là cầu nối giữa gia đình các em và cộng đoàn. Tham gia nhắc nhở, động viên các em, đồng hành với các Huynh trưởng – Giáo lý viên trong một số hoạt động của Xứ đoàn, liên hệ với phụ huynh các em trong những trường hợp cá biệt hoặc những dịp đặc biệt.

j.Các em Thiếu nhi :

  • Tích cực học hỏi, lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
  • Trong lớp học phải nghiêm túc, trung thực.
  • Nghỉ học phải có phụ huynh xin phép.
  • Luôn luôn vâng lời Quý Cha và những người có trách nhiệm.
  • Nhiệt tình hăng say trong mọi sinh hoạt của Xứ đoàn.
  • Luôn biết quan tâm, yêu thương các bạn.
  •  
  • Quyền lợi

a.Còn sống :

  • Được sự ưu ái của Xứ đoàn trong những dịp lễ và các chương trình sinh hoạt, những khóa bồi dưỡng học hỏi, chia sẻ.
  • Lúc đau bệnh nặng, đại diện Xứ đoàn đến thăm và tặng quà. Trường hợp hoàn cảnh đặc biệt, Cha đặc trách sẽ xem xét.
  • Khi lập gia đình (HT-GLV) thông báo cho Cộng đoàn cầu nguyện và Xứ đoàn tặng 1 món quà kỷ niệm.
  • Khi gia đình có tang chế : Đối với vợ/chồng hoặc tứ thân phụ mẫu, thì Cha đặc trách và đại diện Xứ đoàn đến phúng viếng thông báo cho Cộng đoàn cầu nguyện và tham dự thánh lễ an táng - Cha đặc trách đưa tiễn ra nghĩa trang. Đối với Ông bà nội, ngoại và anh/chị em ruột, đại diện Xứ đoàn đến phúng viếng và cầu nguyện. Đối với cha mẹ của các em thiếu nhi, đại diện Ngành-Lớp đến phúng viếng và cầu nguyện.
  • Hằng năm, cộng đoàn hiệp dâng một thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình trong Xứ Đoàn vào ngày lễ Thánh Gia Thất và ăn liên hoan vào những dịp lễ Chúa Giáng Sinh, Chúa Phục Sinh, Bổn mạng Xứ đoàn (lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa) và Tổng kết năm học giáo lý.

b.Qua đời :

  • Hằng năm vào dịp tháng các linh hồn, Xứ đoàn trích quỹ xin một thánh lễ vào ngày Chúa nhật thứ hai trong tháng để cầu nguyện cho những thành viên của Xứ đoàn đã qua đời.
  • Khi một thành viên đương nhiệm qua đời trong Giáo xứ, Cha đặc trách và đại diện Xứ đoàn đến phúng viếng, thông báo cho Cộng đoàn cầu nguyện và tham dự thánh lễ an táng – Cha đặc trách dâng lễ cầu nguyện và đưa tiễn ra nghĩa trang hoặc đài hỏa táng – trích quỹ xin một thánh lễ và một buổi đọc kinh tại tư gia (theo chương trình riêng). Trường hợp hoàn cảnh đặc biệt, Cha đặc trách sẽ xem xét.
  • Khi thành viên mãn nhiệm qua đời (nhưng còn cộng tác bán thời gian trong những chương trình sinh hoạt chung và những khóa huấn luyện) hoặc ân nhân của Xứ đoàn, đại diện Xứ đoàn đến phúng viếng – xin một thánh lễ – thông báo cho Cộng đoàn cầu nguyện và tham dự thánh lễ an táng. Những trường hợp khác khi tang gia có xin Xứ đoàn phúng viếng, Xứ đoàn chỉ đọc kinh chung cộng đoàn sau thánh lễ thiếu nhi, không đi phúng điếu đám tang (nếu tang gia có bỏ phong bì tiền thì số tiền đó sẽ sung vào quỹ thiếu nhi).