CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C Lc 15,1-3.11-32 Bài chia sẻ của Cha Đaminh

Lời Chúa Lc 15,1-3.11-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm

Biết SÁM HỐI trở về với Cha

Lewis Copeland có kể một câu chuyện như sau:

Một người cha muốn răn bảo đứa con có tật xấu đi chơi khuya, ngủ dậy trễ. Ông nói:

- Con sẽ chẳng làm được trò trống gì, nếu không biết sửa đổi. Hãy nhớ rằng con chim dậy sớm mới bắt được sâu.

- Nhưng con sâu ấy thì sao hả bố? Chẳng phải là ngu ngốc khi dậy quá sớm sao?

Bố nghiêm giọng bảo:

- Bởi con sâu ấy cả đêm không ngủ, mà nó đang trên đường trên đường về nhà.

Thằng nhỏ xem ra thông minh. Nhưng người cha thì khôn ngoan hơn. Ông thật nhạy bén ứng phó khiến thằng con phải tâm phục khẩu phục. Ông dạy con rất khéo, nhẹ nhàng mà hiệu quả.

        Nói đến câu chuyện "Người cha nhân hậu" của Chúa Nhật IV mùa chay này chắc là không ai trong chúng ta không biết. Người cha ấy không ai khác hơn là chính Thiên Chúa. "Con sâu cả đêm không ngủ" đang lần mò quay về trong cái tấm thân tàn ma dạy, trong cái nỗi lòng hối hận như kim đâm muối sát ấy, là người con thứ và cũng là chính chúng ta.

       Quả vậy,Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” được thánh Luca thuật lại trong bối cảnh có những người tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe Người giảng, trong khi những người Pharisêu và các kinh sư lại phản đối việc Người tiếp đón và ăn uống với những người bị xem là “phường tội lỗi” (15,1-3). Dụ ngôn này là câu trả lời cho sự phản bội và những vấn nạn họ đặt ra.

       Tình thương và lòng nhân hậu vô bờ của người cha. Tình thương của người cha đối với đứa con hư hỏng thật quá lớn lao. Ông không hề thắc mắc hay gây khó khăn, khi đứa con thứ đòi chia của cải. Ông không trách móc khi người con thứ bỏ nhà đi hoang và tiêu xài hết phần của cải được chia. Ông vẫn hằng chờ đợi và trông ngóng đứa con hư trở về, đến nỗi khi cậu còn ở đàng xa, thì ông đã trông thấy, chạnh lòng thương và chạy ra đón con. Những việc ông làm liên tiếp sau đó như “ôm cổ”, “hôn lấy hôn để”, “mặc áo đẹp”, “xỏ nhẫn”, “xỏ dép”, và “giết bê béo mở tiệc ăn mừng” đều thể hiện tình thương và sự tha thứ hoàn toàn vô điều kiện, mà ông dành cho đứa con hư trở về, vì đối với ông đó là đứa con “đã chết mà nay sống lại”.

         Sự trở về miễn cưỡng của người con thứ. Người con thứ đòi chia gia tài, rồi từ bỏ cha đi ăn chơi, mà không hề suy nghĩ cho tình cảm và sự lo lắng của cha. Anh ta chỉ trở về khi đã tiêu hết tiền bạc, không công ăn việc làm, không lương thực dằn bụng. Anh không trở về vì thương cha già ở nhà, nhưng chỉ mong cha chấp nhận mình như người làm công để có cái ăn. Sự trở về của anh chỉ như một sự chọn lựa để không phải chết đói.

        Dẫu muộn màng và miễn cưỡng, sự trở về của người con thứ vẫn luôn có giá trị và đáng vui mừng đối với người cha. Người cha không quan tâm vì sao anh trở về, vì đối với ông, sự trở về của người con, dù với lý do gì, đều rất đáng được hoan nghênh và đáng để mừng vui. Người con thứ đi hoang đánh mất phẩm giá làm con và tự thấy mình không xứng đáng là con, nhưng khi anh trở về, người cha không mảy may do dự phục hồi trọn vẹn tư cách làm con của anh.

        Sự dửng dưng, lạnh lùng và vô cảm của người con cả. Người con cả là người chăm chỉ làm việc, sống đàng hoàng, ngoan ngoãn và chưa bao giờ làm gì trái lệnh cha. Dù tuân phục cha cách trọn vẹn, người con cả chỉ thấy mình như người làm việc để “hầu hạ” một người cha keo kiệt. Một đàng, anh tỏ ra hẹp hòi, ích kỷ, đối với người em hư hỏng, đến nỗi không còn coi đó là em mình, đàng khác, anh không nhận ra tấm lòng rộng lượng của người cha. Anh quên mất rằng trong tư cách là một người con, thì “tất cả những gì của cha đều là của con”. Tuy anh ở trong nhà, nhưng lại tự đánh mất phẩm giá và quyền lợi làm con. Anh ở bên cha nhưng lại không cảm nhận được tình cha. Anh tự cho mình là người tốt lành, có tư cách đoán xét người em hư hỏng, nhưng chính anh lại quá hẹp hòi để mở lòng ra với tình cha, tình anh em.

          Đối với thánh Phaolô, Thiên Chúa đi bước trước trong việc hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Qua Đức Kitô và nhờ cái chết của Người, Thiên Chúa không còn chấp tội con người. Việc hoà giải với Thiên Chúa được giao cho thừa tác vụ của Giáo hội. Chính Giáo hội, thừa hành thừa tác vụ được trao cho mình, công bố lời hoà giải. Thiên Chúa mời gọi tôi hoà giải với Người, tôi có mở lòng ra với Người? Tôi có sẵn sàng, thông qua thừa tác vụ của Giáo hội, thực hiện việc hoà giải với Thiên Chúa?

        Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” là câu trả lời thoả đáng cho những vấn nạn, mà những người Pharisêu và các kinh sư đặt ra. Trước hết, tình thương của Thiên Chúa vượt lên trên những bất toàn tội lỗi của con người. Sau nữa, Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi con người trở về, để tha thứ tất cả dù con người bất toàn, tội lỗi đến đâu. Cuối cùng, thật đáng trách cho những ai tự cho mình là công chính, mà không nhận ra tình Chúa và hẹp hòi xét đoán anh em mình. Qua bài Tiin mừng Tôi và ACE có nhận ra tình thương mà Thiên Chúa vẫn luôn dành cho tôi? Tôi có nhận thấy mình là tội nhân cần trở về, để xin Thiên Chúa thứ tha? Tôi có tự coi mình là tốt lành, công chính, mà không cần đến tình thương của Chúa và hẹp hòi, khắt khe với anh em?

        Thiên Chúa dựng nên con người và đặ để mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau. có những người giữ đạo sốt sắng, luôn chu toàn bổn phận với Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ân huệ đó. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biết tha thứ và đón nhận những người lầm lỗi, yếu đuối. Bời vì họ là những con người đáng thương. Họ cũng là anh em với chúng ta là con cùng một Cha trên trời. Họ cũng đã được Chúa Giêsu đổ máu ra để cứu chuộc.

        Chúng ta đã đi được chặng đường hơn nữa mùa chay, và đang chuẩn bị bước vào Cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Lời Chúa trong mùa chay luôn là lời mời gọi hoán cải và đổi mới để trở về làm hoà với Chúa. Chúng ta hãy can đảm nhận ra những khuyết điểm và tội lỗi của mình không phải để mặc cảm tự ti nhưng là để mạnh dạn trở về cùng Chúa, Đấng luôn yêu thương và chờ đợi chúng ta. Đừng nghĩ rằng tôi tội quá nặng lỗi quá nhiều nên Chúa không thể tha. Chúng ta hãy nhìn lên thánh giá, Chúa Giêsu đã chết trên thập giá cũng là vì tội lỗi của chúng ta.

      Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Thiên Chúa và biết trở về với tình Cha. Đồng thời xin cho chúng con sống yêu thương tha nhân và đối xử với họ như anh em mình. Amen.

Video

Bài viết liên quan