THỨ TƯ LỄ TRO Mt 6,1-6.16-18 Bài chia sẻ của Cha Giuse

            Mở đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời tiên tri Gio-en để chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào:

- "Hãy thật lòng trở về với Ta" (Ge 2,12)

-" Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo" (Ge 2,13)

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta về ba việc đạo đức tiêu biểu mà người Do Thái thường làm. Đây cũng là những đòi hỏi của Mùa Chay mà mỗi người chúng ta phải đáp ứng. Đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Bởi vì, qua ba việc đạo đức tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

Chúa dạy chúng ta khi làm các việc đạo đức:

- Trước hết là đừng quá chú trọng đến những vẻ bề ngoài. Chúa bảo: "Đừng khua chiêng đánh trống". Đừng làm ở "trong hội đường hay ở ngã ba đường". Cũng đừng "làm cho ra vẻ thiểu não".

- Tiếp đến là "Đừng làm để được người ta khen" hay "cốt để cho người ta khen", cũng đừng để "cho người ta thấy", hoặc là "để thiên hạ thấy là chúng ăn chay"

- Mà hãy làm một cách kín đáo (kín đáo: Không có nghĩa là dấu diếm người ta, mà là không có ý khoe khoang và chỉ cốt làm vui lòng cha Trên Trời.

2. Trong Mùa Chay, chẳng những ta phải gia tăng những việc đạo đức (về phương diện lượng) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn (phương diện phẩm).

a. Trước hết là vấn đề bố thí: Đây là một việc đạo đức đang đi vào quên lãng.

Chỗ ở của chuột: Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm, nó đang đi lang thang dạo mát, bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự:

- Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được mấy yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.

Nghe thế con chuột kia nói:

- Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm.

- Ô, thế bạn ở đâu vậy?

- Ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo" (trích trong "Món quà Giáng sinh")

Chúng ta hãy trả lại cho công việc tốt đẹp này chỗ đứng của nó. Bố thí có một giá trị đạo đức rất lớn.

* Nó thể hiện một sự hy sinh cao độ. Chúng ta vẫn nói "Đồng tiền liền khúc ruột" Chính vì thế mà bố thí có giá trị hy sinh lớn.

* Bố thí còn giúp chúng ta bớt dính bén với tiền bạc. Nếu không cẩn trọng thì tiền bạc dễ mê hoặc, làm cho chúng ta xa cách Chúa và xa cách anh em.

* Bố thí còn có một giá trị đền tội: Sách Tobia nói: "Việc bố thí thanh tẩy mọi tội lỗi" (Tb 12,8-9)

b. Ăn Chay.

Đừng hiểu chay tịnh chỉ là kiêng khem một bữa ăn, hay giảm thiểu thức ăn trong bữa. Hiểu như thế chưa phải là tinh thần của việc ăn chay. Nói một cách chuẩn xác hơn: Chay tịnh là phương thế giúp chúng ta tập làm chủ con người của mình, nhất là làm chủ thân xác của chúng ta.

Trong kho tàng chuyện cổ của nước Pháp có câu chuyện vui nhưng cũng rất có ý nghĩa này: Khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:

- Ông đang trồng gì thế?

- Cây nho.

- Nó có lợi gì không?

- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

- Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Satan lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu chưa ngưng mà còn uống thêm nữa thì sẽ ngu như lừa; nếu lại uống nữa thì...hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ nước Pháp)

Chay tịnh tập cho người ta biết lúc nào phải dừng lại. Con người có bản lãnh, biết làm chủ được mình là con người biết dừng lại đúng lúc.

c. Cầu nguyện.

Chúa bảo chúng ta khi cầu nguyện đừng có nhiều lời, nhất là những lời thở than ai oán. Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Đây là lời cầu nguyện, một cuộc nói chuyện với Chúa.

Một hôm, tôi dậy sớm để xem cảnh hừng đông vừa mới hé.

Ôi, công trình Thiên Chúa mới diễm lệ xiết bao.

Mắt ngắm nhìn, tôi ngợi khen Thiên Chúa về những kỳ công nhiệm mầu...

Tôi ngồi đấy, và thấy rằng, Chúa hiện diện.

Người hỏi tôi: “Con có yêu mến Ta không?”

Tôi đáp: “Lẽ tất nhiên, lạy Chúa! Chúa là Thiên Chúa và Đấng cứu Độ con”

Và Người hỏi: “Nếu con mang khuyết tật, con có còn yêu mến Ta không?”

Tôi ngỡ ngàng, nhìn xuống tay chân và toàn bộ hình hài,

rồi nghĩ rằng, có bao điều tôi sẽ không tài nào làm được, ngay cả những điều tôi thấy là đương nhiên.

Và tôi trả lời: “Hẳn là sẽ rất khó đấy, lạy Chúa, nhưng... con vẫn yêu Chúa!”

Người lại hỏi: “Nếu con mù, con có còn yêu các thọ tạo của Ta chăng?”

Làm sao lại có thể yêu một điều mình không thể thấy nhỉ?

Và tôi nghĩ đến bao nhiêu người mù trên thế giới, và biết bao người trong số họ

vẫn cứ yêu mến Chúa và muôn thụ tạo của Người.

Thế nên tôi đáp lời: “Nghĩ như thế thật đau lòng, nhưng... con vẫn yêu Ngài!”

Chúa tiếp tục hỏi: “Nếu con điếc, con có còn chịu lắng nghe Lời Ta không?”

Làm sao lại có thể nghe được điều gì nếu tai mình bị điếc?

Rồi tôi chợt hiểu:

Nghe Lời Chúa không chỉ bằng đôi tai, mà bằng chính tâm hồn.

Tôi trả lời: “Thật khó lòng làm như thế, nhưng... con vẫn yêu mến lời Ngài ”

Người lại hỏi: “Nếu con câm, con vẫn còn ca tụng Danh Ta chứ?”

Làm sao mà có thể ca tụng khi mình không còn giọng hát?

Rồi tôi chợt nhận ra:

Chúa muốn tôi ca lên từ đáy sâu tấm lòng chân thật.

Tiếng ca của tôi dẫu có thế nào cũng được.

Và ngợi khen Chúa không chỉ là hát ca, nhưng trong những ngày gian nan,

tôi sẽ ca ngợi Chúa bằng cách cảm tạ Người.

Vì thế tôi mới nói:

“Dù con không thể hát, con vẫn còn ngợi ca Chúa đến trọn đời!”

Đến đây, tôi cứ ngỡ rằng, mình đã trả lời quá hay,

nhưng... Chúa chợt hỏi: “Thế, vì sao con phạm tội?”

Tôi vội trả lời: “Vì con chỉ là con người, con chưa phải trọn lành.”

Chúa lại hỏi thêm “Thế sao khi yên ổn, con lại đi xa Ta thế? và vào những lúc nguy nan, con mới biết cầu nguyện hết lòng?”

Tôi đành nín lặng, và tôi chỉ còn biết khóc...

Chúa lại dồn dập hỏi:

“Sao con chỉ hát với cộng đoàn và trong những buổi tĩnh tâm?

Sao con chỉ kiếm tìm Ta trong những khi thờ phượng?

Sao con cầu xin bao nhiêu thứ chỉ vì mình con?

Sao con cầu xin mà lại thiếu lòng xác tín?”

Lệ trào mi chảy xuống má của tôi...

“Sao con xấu hổ về Ta?

Sao không rao giảng Tin Mừng cho đến nơi đến chốn?

Sao khi gặp gian truân, con lại đi thở than với người khác,

trong khi chính Ta trao vai mình cho con tựa vào mà khóc?

Sao con lại chối từ khi Ta cho con cơ hội phục vụ Danh Ta?”

Tôi muốn trả lời, nhưng còn biết nói gì đây?

“Ta ân ban cho con sự sống, đâu có phải là để con vứt bỏ!

Ta ân ban cho con tài năng để phục vụ Ta, nhưng con đã vội quay lưng!

Ta mặc khải Lời Ta cho con, nhưng con không chịu thêm gì trong hiểu biết!

Ta nói khó với con, nhưng con cứ bịt tai!

Ta chúc phúc cho con, nhưng con hướng mắt nhìn nơi khác!

Ta sai tôi tớ đến với con, nhưng con ngồi yên khi họ bị đuổi xua!

Ta nghe lời con cầu và đã nhậm lời mọi điều con cầu khẩn.

Vậy, con có thực sự yêu mến Ta chăng?”

Tôi không thể trả lời. Làm sao trả lời đây? Tôi vô cùng bối rối.

Tôi không còn lời biện bạch. Tôi có thể nói gì đây?

Lòng kêu thét và mắt tôi đẫm lệ, tôi trình Người:

“Lạy Chúa, xin thứ tha, con không xứng làm con của Chúa!”

Chúa đáp lời: “Ân Huệ của Cha đấy, con ơi!”

Tôi bèn hỏi:

“Sao Chúa vẫn tha thứ cho con? Sao Chúa lại yêu con đến thế?”

Chúa trả lời: “Vì con là công trình Sáng Tạo của Ta.

Con là con của Ta. Ta chẳng thể nào bỏ rơi con.

Khi con khóc, Ta đồng cảm và cùng khóc với con.

Khi con hớn hở reo vui, Ta cùng cười với con.

Khi con suy sụp tinh thần, Ta luôn khích lệ con.

Khi con vấp ngã, Ta nâng con chỗi dậy

Khi con mệt mỏi, Ta đã bồng bế con trên tay.

Ta sẽ ở cùng con cho đến ngày sau cùng,

Và Ta sẽ còn yêu thương con mãi mãi.”

Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế.

Làm sao tôi đã từng có thể sống dửng dưng?

Làm sao tôi đã từng xúc phạm Chúa quá nhiều?

Tôi hỏi Chúa: “Vậy, Chúa thương con đến mức độ nào?”

Chúa đưa tay ra và tôi thấy dấu đinh xuyên thấu,

Tôi gục đầu dưới chân Chúa của tôi,

và lần đầu tiên trong đời,

tôi đã biết nguyện cầu thực sự...

(Nguyên tác “LOVE STORY”, bản dịch của TRẦN DUY NHIÊN)

Video

Bài viết liên quan