THỨ SÁU TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN Mc 8,34- 9,1 Bài chia sẻ của Cha Chánh Xứ Giuse

1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập Giá, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: muốn làm môn đệ Chúa  thì cũng phải đi theo con đường Thập Giá của Chúa: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ mình đi vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo Tôi”.

Ta hãy nghe lại lời của Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo.”(Mt 8,34)

Có một một con thuyền kia ghé vào một hòn đảo hoang. Cho thuyền cập bến xong, lên bờ người ta mới thấy ở đó có một khối nam châm rất lớn. Ông thuyền trưởng ra lệnh cho các thủy thủ đem hết khối nam châm đó lên tàu với hy vọng sẽ bán được rất nhiều tiền và sẽ trở thành giầu có. Sau đó, con thuyền nhổ neo ra khơi, nhưng khi con thuyển ra giữa biển thì thuyền bị lạc hướng không thể nào đi tiếp được. Kim nam châm hải bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoang tàu nơi có chứa khối nam châm. Cuối cùng, lương thực thiếu, nhiên liệu cạn dần. Người thuyền trưởng bắt buộc phải quyết định vất bỏ khối nam châm xuống lòng biển để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống con thuyền và đưa con thuyền về bến. (Trích “Phúc”)

2. “Được lợi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống thì người ta nào có ích lợi gì?”(Mc 8,36)

Phanxicô Xaviê nhờ câu nói này đã biết tỉnh ngộ, bỏ mọi sự mà theo Chúa, cuối cùng, đã trở thành một nhà truyền giáo nhiệt thành và một đấng thánh.

Mỗi người chúng ta thử duyệt lại xem mình đang tìm kiếm gì ở đời này (quyền lợi, thú vui, danh vọng…). Rồi nghĩ tới ngày mình nhắm mắt ra đi. Lúc đó mình sẽ mang theo được những gì?

Người kia có 3 người bạn, hai người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị bắt và bị đem ra toà. Ông liền xin ba người bạn đi theo để biện hộ cho ông. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng không giám vào. Còn người thứ ba tuy không được ông ưa thích nhưng tỏ vẻ trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông. Không những ông được trắng án mà còn được thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một cái hòm. Người bạn thứ hai là bà con bạn hữu, họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các việc lành phúc đức của ta. Chúng đưa ta tới toà phán xét và đưa ta vào Thiên Đàng. (Trích “Phúc”)

Vào một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941, tại trại tập trung Oswiccim của Đức Quốc Xã, người ta loan tin có một người vượt ngục. Theo qui định của trại: cứ một người vượt ngục, thì 10 người sẽ bị xử thay vào đó. Cả trại được tập trung trước sân. Tên trưởng trại đọc tên những người phải đền tội thay. Các nạn nhân run rẩy bước ra, chân siêu chân vẹo đứng không vững, khiếp đảm nhưng không, không dám kêu la. Đang lúc mọi người im lặng thì một người…thất vọng kêu ré lên:

- Ôi vợ và các con tôi.

Hàng trăm dãy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn chờ đợi xem việc gì sẽ xẩy ra. Không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ trong dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời bỏ hàng ngũ từ từ bước ra tiến về hướng viên trưởng trại đang đứng. Mọi người đều nín thở. Tên trưởng  trại đưa tay vào cò súng. Mọi người không ai bảo nhau đều ngỡ ngàng:

- Chuyện chưa từng có bao giờ!

Viên trương trại hất hàm hỏi:

- Mi muốn gì?

- Tôi muốn chết thay cho một người trong những người đang đứng kia.

Viên trưởng trại sững sờ. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu trao đổi gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu.

Kẻ tình nguyện đó là Maximilien Kolbe, một linh mục Công giáo. Cha đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10-10-1982 tại Rôma.

Lạy Cha,

Xin ban cho con điều khó hơn cả,

Đó là nhận ra Thánh Giá của Con Cha

trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

và ơn bước theo Con Cha

trên đường Thánh Giá,

bao lâu tùy ý Cha định liệu.

* Xin đừng để con trở nên chua chát

nhưng được trưởng thành

nhờ đón nhận đau khổ.

Với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng

có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

* Ước gì

Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con,

là ánh sáng cho đêm tăm tối,

nhờ đó, con không còn coi khổ đau

như một tai họa hay một điều vô lý,

nhưng như một dấu chỉ

cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi.

Karl Rahner

Video

Bài viết liên quan